Chuyển tới nội dung
Trang chủ » TÀ ÁO VIỆT NAM

TÀ ÁO VIỆT NAM

“Mẹ tôi bảo áo dài là biểu tượng của sự chịu đựng vô bờ bến. Của những tấm lòng rộng lượng của người phụ nữ Việt Nam. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, dù cho chiến tranh bom đạn, có tàn phá thế nào đi nữa. Áo dài phụ nữ Việt Nam vẫn tồn tại và vẫn giữ được vẻ đẹp của nó, vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, không phải là làn da trắng hay má đỏ môi hồng mà phải nhìn qua những tà áo dài thướt tha, dịu dàng thể hiện lên một tâm hồn trong sạch và tính nết đoan trang của nó”

-Trích phim Áo Lụa Hà Đông-

Không biết từ lúc nào, hình ảnh chiếc áo dài đã len lỏi trong kí ức của những người bà, người mẹ, người chị. Hình ảnh chiếc áo dài với những tan thương của sinh-ly-tử-biệt trong thời chiến, rồi trỗi dậy như một tượng đài thời trang trong nước, để rồi sau đó, chiếc áo dài mang đầy nỗi niềm của người Việt được đón nhận như biểu tượng thời trang trên thế giới.

Từ ngày mà bà Lệ Xuân mặc chiếc áo dài cổ chữ V gây ra nhiều tranh cãi về hình ảnh chiếc áo dài, hay những bước phát triển dáng áo của những nhà thiết kế lành nghề yêu cái đẹp và những người nghệ sĩ của miền Nam đã thổi nét hồn hiện đại trên nền truyền thống đó.
Đến 2006, chiếc áo dài xuất hiện trong phim nhựa “Áo Lụa Hà Đông” đạt giải Cánh Diều Vàng đã rộ lên những tràn pháo tay nồng nhiệt. Các cuộc thi sắc đẹp quốc tế năm 2008-2011-2016-2018 tô đậm thêm hình dáng áo dài với các nước bạn. Và gần đây nhất năm 2017, bộ phim Cô Ba Sài Gòn được đông đảo các bạn trẻ đón nhận, tạo nên một làn sóng ưa chuộng áo dài cách tân, lại một phiên bản áo dài gắn liền với đời sống thế hệ trẻ Việt Nam.

Tôi không muốn so sánh áo dài với những trang phục truyền thống của các nước khác.
Áo dài, tự nó đã là một nét hồn của dân tộc, tự nó đã toát lên được bản chất và mắt nhìn của người Việt, thì nó đã là một bản thể riêng, một cốt cách riêng rồi. Vậy nên, hãy nói về vẻ đẹp của nó thôi, hãy cho áo dài những lời khen, sự chiêm ngưỡng cho riêng mình, như một tác phẩm nghệ thuật sống động.

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Áo Lụa Hà Đông
Thơ: Nguyên Sa
Nhạc: Ngô Thuỵ Miên

Tà áo em… bay bay bay bay trong gió nhẹ nhàng
Tà áo em… bay bay bay bay trên phố dịu dàng

Một Thoáng Quê Hương
Từ Huy

Áo dài không chỉ song hành cũng người Việt trong các cuộc hội họp, lễ tết mà còn xuất hiện trong thơ, ca, hội hoạ. Để nói, áo dài ngoài là trang phục, còn là đời sống tinh thần, còn là những giá trị tinh khôi vượt qua những rào cản chiến tranh, rào cản vùng miền. Với áo dài, không có miền Bắc- Nam, không có chiến tranh- hoà bình, không có tôi- ai kia, mà áo dài là Việt Nam, áo dài là nét tâm hồn của cuộc sống, là chúng ta.

​​​​​​​​— THE PHANN —

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *